Băng thông bandwidth là gì? Mẹo tiết kiệm băng thông cho Blog

Băng thông (bandwidth) là gì? Mẹo tiết kiệm băng thông cho Blog

Băng thông là gì? Tối ưu băng thông không chỉ giúp giảm chi phí vận hành cho blog mà còn giúp blog chạy nhanh hơn.

Băng thông luôn là một trong những tài nguyên có chi phí đắt đỏ nhất. Tiết kiệm băng thông chính là bạn đang giảm chi phí vận hành cho website của mình.

Tuy blog không quá tiêu hao băng thông như những dạng website khác, nhưng nếu bạn không chú ý đến nó, blog của bạn vẫn sẽ bị “lạm phát” băng thông như thường.

Trong khi đó, các VPS như Vultr hay DigitalOcean thì luôn giới hạn lưu lượng băng thông hàng tháng, các Cloud Hosting cao cấp như AWS EC2 thì luôn tính phí băng thông rất cao dựa theo tổng dung lượng băng thông bạn sử dụng.

Với các mẹo sau đây, bạn sẽ tiết kiệm được lượng lớn băng thông cho Blog, lợi ích sẽ càng lớn khi bạn có nhiều hơn một blog. Ngoài ra các mẹo này còn giúp bạn giảm tải được nhiều tài nguyên khác cho hosting, từ đó giúp blog chạy nhanh hơn nữa.

Băng thông (bandwidth) là gì?

Bang Thong

Không giống như cách các dịch vụ internet cáp quang tốc độ cao, băng thông hosting thường được hiểu là lưu lượng dữ liệu truyền tải trong một khoảng thời gian nào đó, thường là hàng tháng.

Băng thông truyền tải (Bandwidth transfer) sẽ phân làm 2 loại:

  • Băng thông vào (Inbound bandwidth). Là lưu lượng dữ liệu bạn tải lên server. Ví dụ, bạn upload một tấm ảnh 2MB thì server sẽ tính là bạn vừa sử dụng 2MB băng thông vào.
  • Băng thông ra (Outbound bandwith). Là lưu lượng dữ liệu khi bạn tải dữ liệu xuống từ server. Ví dụ, người đọc xem một trang web của bạn với tổng dung lượng trang là 2MB (bao gồm ảnh, các file tĩnh HTML, CSS,…) thì nghĩa là họ đang download dữ liệu trang web bạn và server sẽ tính là băng thông ra 2MB.

Thông thường các VPS sẽ miễn phí cho bạn băng thông vào (bạn upload dữ liệu lên máy chủ sẽ không tốn phí) và sẽ tính phí băng thông ra (người xem truy cập trang web hay download file sẽ tính phí) dựa theo chính sách của từng nhà cung cấp hosting.

Ví dụ AWS EC2, họ sẽ tính phí cả băng thông ra và băng thông vào nên nếu bạn sử dụng phải rất cẩn thận với hoá đơn cuối tháng.

Một số nhà cung cấp VPS khác sẽ có chính sách không giới hạn băng thông dung lượng, nhưng sẽ giới hạn tốc độ băng thông server của bạn. Thông thường là 100 Mbps. Tuy nhiên, 100 Mbps cũng đã rất nhanh, không vấn đề gì với blog.

Mẹo tiết kiệm băng thông cho Blog

Chiến thuật giảm tải băng thông hosting khá đơn giản: TẬN DỤNG TÀI NGUYÊN BÊN NGOÀI SERVER

#1. Đưa media ra ngoài server

Dua Media Ra Ngoai Server

File media như Video và ảnh hầu như sẽ chiếm 70-80% dung lượng trang vì vậy nếu bạn có thể đưa Media ra ngoài server thì bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều băng thông cho hosting.

Cách làm như sau:

  1. Với Video. Nên dùng dịch vụ như Youtube hay Vimeo để nhúng vào bài viết, các video này sẽ không làm hao băng thông hosting của bạn mà thay vào đó là băng thông của Google: Youtube.
  2. Với tập tin ảnh động GIF. Bạn nên dùng dịch vụ Giphy Gif để nhúng ảnh động vào trang web thay vì tự upload ảnh GIF lên hosting.
  3. Với các tập tin ảnh nhỏ PNG, JPG (<100px). Bạn có thể dùng Icon8 để nhúng vào website.
  4. Với các tập tin ảnh lớn PNG, JPG. Bạn có thể dùng tính năng embed của Flickr hay Google Photos sẽ giúp bạn tiết kiệm băng thông. Bạn cũng có thể tìm những dịch vụ tương tự.
Giphy
Ảnh động Giphy nhúng bên ngoài
beach
Ảnh nhúng từ Flickr

Một điều đặc biệt chú ý là bạn không được “trộm” tài nguyên ảnh từ các website khác bởi vì đó không hợp lệ và ảnh đó sẽ dễ dàng bị thay thế bởi chính chủ nhân của website đó. Chưa kể họ có thể bật chức năng chống trộm ảnh từ hosting của họ.

Trước khi bạn quyết định nhúng ảnh từ những dịch vụ bên ngoài, bạn phải cân nhắc xem nền tảng đó tồn tại bền vững hay không để ảnh không bị xoá mất sau này.

#2. Dùng CDN để giảm bandwidth

Dung Cdn Tiet Kiem Bang Thong

Thay vì tải trực tiếp các tập tin website thì bạn sẽ “quá cảnh” với trạm CDN (Content Delivery Network) gần nhất.

Khi đó băng thông sẽ được tính từ các trạm CDN thay vì với máy chủ hosting của bạn. Các nhà cung cấp CDN sẽ tính phí độc lập với bạn nhưng chi phí so với máy chủ là rẻ hơn rất nhiều, rất có lợi.

Nếu bạn dùng Cloudflare (CDN miễn phí) bạn sẽ được miễn phí băng thông CDN.

Chưa kể CDN sẽ luôn cached các nội dung tĩnh của website bạn cho nên cực kỳ tiết kiệm băng thông (bao gồm tập tin ảnh, HTML, CSS…).

Ví dụ, tôi dùng Shortpixel CDN toàn bộ các tệp ảnh. Bên cạnh đó tôi dùng Bunny CDN cho HTML, CSS, SVG.

Chưa kể CDN sẽ giúp bạn tăng tốc cho website vì các trạm CDN gần bạn nhất như HongKong (nếu GEO hosting bạn ở Singapore).

Bật mí cho bạn là website bạn luôn dùng một CDN mà bạn ít chú ý đó chính là Google Font CDN. Khi bạn chọn Font của Google cho website thì tự động Google sẽ dùng CDN của mình cho website của bạn. Vì vậy, việc bạn tự host font sẽ không giúp tăng tốc website mà đa phần là chậm lại.

Bạn có biết một font đầy đủ dạng tệp TTF sẽ nặng tương đương một tấm ảnh, và để trình bày các Font Style đầy đủ bạn sẽ tốn gần 0.5 MB cho riêng font.

Bạn dùng Web font như Woff và Woff2 cho nhẹ?

Đa phần bạn sẽ gặp rắc rối với tính tương thích và hiển thị không hoàn hảo. Trong khi Google Font sẽ tự động tương thích toàn bộ trình duyệt và tự động hiển thị web font nhẹ nhất cũng như CDN của Google. Nếu bạn không có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt, hãy cứ dùng Google Font là an toàn nhất.

#3. Dùng SaaS thay cho các plugin

Dung Saas Thay Cho Cac Plugin

Hầu hết việc cài đặt càng nhiều plugin sẽ càng làm cho website dễ xung đột và hao tài nguyên hosting bao gồm bộ nhớ, dung lượng lưu trữ, RAM và luôn cả băng thông.

Điều này đặc biệt đúng với các plugin tạo Pop-up cho website của bạn. Pop-up thường phải kèm theo một tệp ảnh để tăng sức hấp dẫn.

Ảnh lấy từ đâu? Plugin chạy có làm nặng website thêm?

Ảnh sẽ lấy từ hosting của bạn và các plugin này đều làm nặng trang web thêm vì tạo ra thêm các HTML và CSS kèm theo.

Cách tiết kiệm băng thông là dùng dịch vụ SaaS bên ngoài thay vì plugin để giải quyết vấn đề. Các dạng SaaS này thường không làm ảnh hưởng đến tốc độ website và băng thông.

Bởi vì các SaaS luôn chạy trên một máy chủ riêng và dùng chính băng thông của máy chủ đó thay vì của hosting của bạn.

Ví dụ, tôi dùng SaaS ConvertBox để hiển thị Pop-up, thì toàn bộ băng thông sẽ “bán cái” qua cho ConvertBox Server, họ đang dùng CDN Amazon Cloudfront và hosting AWS của họ để phục vụ khách hàng. Chính vì vậy các SaaS thường phải thu phí thuê bao tháng để trả cho các chi phí hosting của họ.

Khi bạn dùng các SaaS thay cho plugin sẽ tiện hơn, nhanh hơn và tiết kiệm băng thông hơn, nên tôi rất ưu ái sử dụng SaaS cho blog của mình.

#4. Giảm “cân nặng” của toàn bộ website nhiều nhất có thể

Giam Can Nang Website Nhieu Nhat Co The

Đây có lẽ là cách hữu hiệu nhất và nhanh nhất mà bạn có thể thấy ngay được.

Nếu bạn đã đọc qua bài viết cách tạo một blog siêu nhẹ, bạn cũng chỉ có thể giảm băng thông một phần. Bởi vì tôi chắc chắn bạn sẽ “trang trí” hay thêm vào blog của mình nhiều tính năng và dần dần sẽ hao băng thông của bạn.

Việc này bạn phải tự quyết và cân nhắc xem nên bỏ bớt những yếu tố nào trên website để giảm băng thông.

Riêng với các iframe, đa phần là hiển thị để like Facebook Page thì bạn không cần lo vì tất cả các iframe sẽ lấy băng thông từ trang web “gốc” thay vì website của bạn.

Và Google Adsense cũng vậy, sẽ lấy băng thông từ server Google.

Đa phần bạn sẽ quyết định ở khu vực Sidebar và Footer của Blog. Nơi bạn hiển thị nhiều ảnh và thông tin liên quan và luôn trong tâm thế hiển thị nhiều nhất có thể.

Vì vậy, “nở” băng thông không mong muốn là khó tránh khỏi. Bạn phải tự xoá bớt những gì không cần thiết mà thôi.

Lời kết…

Nhiều bạn đang dùng Shared Hosting phải luôn nhớ rằng băng thông rất tốn kém và không có gì gọi là “Unlimited Bandwidth” thật sự. Chỉ là một chiêu trong tiếp thị.

Nếu vậy không ai trả nhiều tiền để sử dụng những hosting cao cấp giới hạn băng thông mà chỉ cần dùng shared hosting không giới hạn băng thông là được.

Phải luôn biết cách tận dụng tài nguyên bên ngoài thật khôn ngoan để giảm băng thông cho blog của mình.

Về SEO thì việc bạn nhúng ảnh bên ngoài cũng tương đương với ảnh được lấy từ hosting của bạn.

Nếu bạn có điều gì không hiểu hay nghi ngờ, hãy để lại bình luận bên dưới để thảo luận nhé!